Thị trường khó khăn buộc nhiều đơn vị may mặc phải nhận những đơn hàng số lượng ít, không phải sở trường để có việc, giữ chân lao động.
“Khó khăn, chưa bao giờ từng khó đến vậy”, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nói về tình hình ngành sợi, may mặc năm 2023.
Từ quý cuối 2022 đến nay, các doanh nghiệp may mặc phần lớn chỉ nhận đơn hàng nhỏ lẻ. “Có những đơn vị hàng nghìn lao động chỉ nhận được đơn vài trăm hoặc nghìn chiếc áo, song vẫn phải làm để có việc. Điều này chưa từng xảy ra trước đây, ngay cả khi “đỉnh” dịch”, ông Hiếu chia sẻ.
Theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), ngành này đang trải qua thời kỳ khó khăn hơn cả giai đoạn Covid-19. Năm tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái, và thấp hơn 5% so với 2021. Hiện nay, ngành dệt may Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi lượng đơn hàng sụt giảm từ 30-60% so với cùng kỳ năm 2022.
“Các doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí, thậm chí phải bán một phần tài sản để trang trải, duy trì hoạt động và không bị phá sản”, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VITAS cho hay.
Ngoài thiếu đơn hàng, giá gia công cũng giảm một nửa so với trước. Trước đây chi phí gia công một chiếc áo sơ mi là 1,7-1,8 USD, nhưng hiện chỉ còn 0,7-0.8 cent. Doanh nghiệp cũng phải nhận những mặt hàng không đúng sở trường, như chuyên gia công quần thì nay nhận làm áo để dây chuyền sản xuất không bị trống, có việc cho công nhân.
Chưa kể, khách hàng đưa ra nhiều yêu cầu khắt khe hơn, thường xuyên “delay” thời gian nhận, gây khó cho doanh nghiệp về dòng tiền, kho bãi.
Tương tự, lĩnh vực dệt kim cũng “gần như không có đơn hàng”, tồn kho lớn từ tháng 4/2022 đến nay.
Khó khăn, nhưng theo ông Cao Hữu Hiếu, hơn 63.000 lao động tại các đơn vị thành viên của tập đoàn này vẫn duy trì việc làm, thu nhập trên 9 triệu đồng một người một tháng.
“Chưa đơn vị nào phải cho người lao động nghỉ việc vì không có đơn hàng”, ông nói. Việc này là nhờ doanh nghiệp chấp nhận đơn hàng nhỏ, tìm kiếm thị trường mới và đẩy nhanh chuyển đổi xanh trong sản xuất.
Dự báo ngành may mặc
Dự báo ngành may mặc vẫn chưa khởi sắc nửa cuối năm trong bối cảnh tổng cầu thế giới giảm, VITAS dự báo kim ngạch cả năm chỉ có thể đạt khoảng 40 tỷ USD, thấp hơn 12-15% mục tiêu.
Riêng với Vinatex, tập đoàn này đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay là 610 tỷ đồng, giảm hơn 40% so với mức lãi năm 2022. Nhưng ông Cao Hữu Hiếu nói, đây là kịch bản tốt nhất mà tập đoàn dự tính có khả năng đạt trong bối cảnh thị trường khó khăn hiện nay.
Lãnh đạo Vinatex cho biết sẽ tập trung vào đẩy mạnh dự báo thị trường, chủ động kế hoạch sản xuất, ổn định dòng tiền, ưu tiên giữ lực lượng lao động để sẵn sàng đón cơ hội khi thị trường phục hồi.
Theo Vnexpress